Tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và sản xuất các sản phẩm phục vụ nền nông nghiệp xanh, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã có nhiều thành tựu được ghi nhận. Đây là một trong những hành động nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và thực hiện theo quan điểm, chỉ đạo của Đảng, đồng thời hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Biến đổi khí hậu và những quan điểm, chỉ đạo của Đảng
Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Trong những thập kỷ gần đây, Đảng ta đã luôn quan tâm đặc biệt đến sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế - xã hội, cũng như vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều đó được thể hiện thông qua chủ trương, đường lối và những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các văn kiện Đại hội, văn kiện Hội nghị, các Chỉ thị, Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngay từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đảng ta đã bắt đầu đề cập đến biến đổi khí hậu (bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn tận gốc việc gây ô nhiễm môi trường,...) trong nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2000. Đại hội lần thứ IX Đảng ta nhấn mạnh "tập trung giải quyết tình trạng suy thoái môi trường...; Kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu sự cố môi trường do thiên tai lũ lụt gây ra". Đại hội lần thứ X, Đảng ta nhận định biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi sự phối hợp giải quyết giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015: "Bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu". Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII và lần thứ XIII đều đặc biệt coi trọng, đưa ra nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể nhằm "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Và gần đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu rõ trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu "Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu;...", trong đó nêu bật "có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của đất nước", "sớm xây dựng cơ chế phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường tín chỉ cácbon.".
Những thách thức đặt ra
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 197 quốc gia thành viên trong hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Là một trong các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị, Việt Nam đã cùng 196 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là trách nhiệm đặt ra cho các toàn ngành kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Việt Nam năm 2014 (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018), trong các lĩnh vực có phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp đứng thứ hai với lượng phát thải chiếm 27,92%(9). Việc các doanh nghiệp phân bón sản xuất các sản phẩm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững sẽ tác động đến tập quán canh tác của nông dân, tạo động lực để từng bước chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Với những bước đi đột phá trong thời gian gần đây, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) là một trong những doanh nghiệp đi đầu của xu hướng đó.
Đi vào hoạt động từ ngày 24 tháng 6 năm 1962, Supe Lâm Thao được coi là lá cờ đầu trong ngành sản xuất phân bón, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Phân bón Supe Lâm Thao với Logo “Ba cành lá cọ” (nhãn hiệu hàng hóa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1992, gia hạn lần 2 ngày 10/10/2022, có giá trị đến ngày 18/05/2032) được đông đảo nông dân trong nước tin dùng, bạn bè quốc tế ưa chuộng.
Dù có lợi thế từ thương hiệu nổi tiếng và đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế mở và những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu, sự dần cạn kiệt của tài nguyên khoáng sản, diện tích trồng trọt bị thu hẹp,... đã khiến ngành phân bón nói chung và Supe Lâm Thao nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Để tồn tại và phát triển, vấn đề đặt ra không chỉ cho Supe Lâm Thao mà cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất là phải có sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, triển khai các biện pháp nhằm "chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường".
Tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 24-NQ/TW
Tiếp thu tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Supe Lâm Thao đã đưa tinh thần của Nghị quyết vào định hướng và chiến lược phát triển của Công ty. Với máy móc thiết bị từ những năm 60 hầu hết đã lạc hậu, để sản xuất đảm bảo chất lượng song song với đảm bảo các tiêu chuẩn mới về môi trường, bên cạnh đầu tư cải tạo, Supe Lâm Thao còn tập trung nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Một đề tài tiêu biểu của Supe Lâm Thao về lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên đã đạt giải Nhất sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (giải thưởng VIFOTEC năm 2017), đó là "Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất Supe phốt phát nhằm giảm cho phí xử lý môi trường"(11). Đề tài đã tạo ra công nghệ mới trong xử lý axit H2SiF6, tìm được nguồn nguyên liệu hợp lý với công nghệ là quặng apaptit loại 2. Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế và cải thiện điều kiện lao động cho người lao động, thành công của đề tài đã giải quyết được vấn đề xử lý nước thải sản xuất tại 2 dây chuyền sản xuất Supe lân và tuần hoàn 100% nước thải sản xuất trong toàn Công ty, không xả thải ra môi trường, góp phần giảm ô nhiễm và cải thiện nguồn nước sông Hồng.
Áp dụng đề tài đã tiết kiệm quặng Apatit nguyên khai loại 1 mà hiện nay trữ lượng hầu như đã cạn kiệt; sử dụng quặng Apatit nguyên khai loại 2 trữ lượng còn khá nhiều. Đây là giải pháp hoàn toàn mới ở Việt Nam và trên thế giới khi sản xuất phân bón theo công nghệ không xả nước thải, không phát sinh chất thải mới. Giải pháp này còn đạt nhiều giải thưởng quốc tế: Huy chương Bạc Giải thưởng Quốc tế về Khoa học Công nghệ năm 2018 tại Hàn Quốc, Giải Đặc biệt về Khoa học Công nghệ năm 2018 của Trường Đại học Hoàng gia Ả Rập Xê Út.
Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp được triển khai nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Một số giải pháp tiêu biểu:
Thứ nhất, giải pháp tiết kiệm tài nguyên: đầu tư hệ thống xử lý thu hồi xử lý tuần hoàn 100% nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất đạt yêu cầu để tái sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Thứ hai, giải pháp chuyển đổi năng lượng: sử dụng nhiệt sinh khối thay thế dầu FO trong công đoạn sấy phân bón NPK và Hữu cơ khoáng, triển khai áp dụng từ năm 2012 đến nay. Tính riêng năm 2023, Công ty sản xuất 401.018 tấn NPK và 2.907 tấn Hữu cơ khoáng, sử dụng 14.135 tấn sinh khối tương ứng phát thải 425 tấn CO2tđ thay thế cho 2.705 tấn FO tương ứng phát thải 8.710 tấn CO2tđ, giảm lượng phát thải: 8.710 tấn - 425 tấn = 8.285 tấn CO2tđ.
Sử dụng nhiệt sinh khối thay thế than 4A trong công đoạn sấy phụ gia, áp dụng từ năm 2012 đến nay. Tính riêng năm 2023, Công ty sản xuất 41.740 tấn phụ gia, sử dụng 1.460 tấn sinh khối tương ứng phát thải 45 tấn CO2tđ, thay thế cho 626 tấn than 4A tương ứng tránh phát thải 1.557 tấn CO2tđ, lượng phát thải giảm: 1.557 tấn - 45 tấn = 1.513 tấn CO2tđ.
Thứ ba, giải pháp tiết kiệm năng lượng: tận dụng hơi nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric để chạy tua bin phát điện; thực hiện từ năm 2007. Tính riêng năm 2022, sản xuất được 1.100 MWh điện thay thế điện lưới quốc gia, lượng phát thải giảm: 1.100 MWh x 0,0677 tấn CO2tđ/MWh = 1.286 tấn CO2tđ.
Thay thế các động cơ có công suất lớn, hiệu suất thấp (do Liên Xô cũ trang bị từ khi xây dựng nhà máy từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước) bằng các động cơ có công suất phù hợp và hiệu suất cao; lắp đặt các biến tần cho các động cơ công suất lớn: công suất khoảng từ 37-250kw cho 22 tủ; sử dụng đèn LED tiết kiệm điện thay thế cho bóng neon và sợi đốt: 300 bộ.
Thứ tư, giải pháp chuyển đổi công nghệ: áp dụng thay đổi công nghệ sản xuất phân bón supe lân đơn từ công nghệ sử dụng quặng apatit nguyên khai sấy nghiền (độ đẩm < 1% H2O) và quặng apatit tuyển sấy (độ ẩm < 10% H2O) sang công nghệ sử dụng 100% quặng apatit tuyển ẩm không sấy (độ ẩm 18-21% H2O). Giải pháp đã tiết kiệm 4.000 tấn than/năm, tương đương 5,2 tỷ đồng/năm, giảm 9.947 tấn CO2tđ/năm; giảm định mức tiêu thụ điện từ 23kwh/tấn xuống 18kwh/tấn, tiết kiệm 2 triệu kwh/năm, tương đương 3,6 tỷ đồng/năm, giảm 1.624 tấn CO2tđ/năm.
Thứ năm, giải pháp giảm lượng chất thải: tái sử dụng vỏ bao PP (bao nguyên liệu), giảm lượng chất thải rắn phải thuê xử lý bằng phương pháp đốt. Tính riêng năm 2023, Công ty tái sử dụng 398 tấn vỏ bao PP để chứa nguyên liệu, giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính (scope 3) 5,5 tấn CO2tđ.
Thứ sáu, tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính: trồng cải tạo và chăm sóc phát triển nhiều cây xanh tại khuôn viên Công ty. Đồng hành cung cấp phân bón để trồng và chăm sóc nhiều cây xanh tại nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Hi Cương, Phú Thọ), Khu di tích lịch sử K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), xã Vạn Xuân (Tam Nông, Phú Thọ),... tạo môi trường sinh thái tốt và giảm phát thải khí nhà kính.
Những hành động cụ thể nhằm hưởng ứng cam kết tại Hội nghị COP26
Tiếp tục thực hiện theo chủ trương đường lối của Đảng về phát triển bền vững đi đôi bảo vệ môi trường, thực hiện các hành động hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, Supe Lâm Thao triển khai đầu tư nhiều dự án nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng môi trường làm việc cũng như khu vực lân cận. Các nhóm dự án trọng điểm đã thực hiện:
Áp dụng và tuân thủ hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015,
Supe Lâm Thao là một trong số ít các doanh nghiệp sản xuất phân bón được cấp chứng nhận hệ thống quản lý môi trường phù hợp tiêu chuẩn này. Dùng xe nâng chạy điện thay thế xe nâng chạy dầu DO, áp dụng từ năm 2023.
Đầu tư các hệ thống quan trắc khí thải tự động, các chỉ số khí thải của Supe Lâm Thao đã kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ nhằm giám sát đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
Đầu tư nghiên cứu và đã thành công trong việc xử lý giảm thiểu phát thải khí, bụi trong các dây chuyền sản xuất Axit, Supe và NPK bằng cách thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tiên tiến nâng cao hiệu suất xử lý.
Xây dựng các kế hoạch chủ động phòng chống ô nhiễm, giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường thông qua việc kiểm soát các phát thải ngay tại nguồn: thu gom triệt để chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại nhằm giảm phát thải khí nhà kính phát sinh.
Tăng cường quản lý sử dụng năng lượng nhằm giảm định mức tiêu hao; hạn chế thất thoát, cải thiện hiệu quả sử dụng nước; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo sản xuất liên tục, giảm thời gian chạy không tải; hạn chế vận hành thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; cải tiến các thiết bị để tăng năng suất, giảm tiêu thụ điện năng; bảo ôn và thu hồi tuần hoàn nước ngưng hệ thống cầu ống và hóa lỏng S,...
Các dự án trên đã được áp dụng có hiệu quả, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng môi trường sản xuất nói riêng và môi trường xung quanh khu vực sản xuất nói chung.
Và bước chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
Với thế mạnh thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, Supe Lâm Thao đã phối hợp các nhà khoa học, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phân bón mới phù hợp nền nông nghiệp xanh, có tác dụng cải tạo đất, góp phần đẩy lùi hiện tượng sa mạc hóa đang có xu hướng lan rộng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thiên nhiên và hệ sinh thái nói chung.
Đặt mục tiêu sản xuất các sản phẩm "Phân bón giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu", năm 2021 Supe Lâm Thao đã sản xuất bộ phân bón Hữu cơ khoáng gồm 04 sản phẩm. Năm 2022 Supe Lâm Thao đã nghiên cứu và lựa chọn đơn vị cung cấp chủng vi sinh vật có hiệu quả cao, công nghệ hiện đại, đó là Biowish của Hoa Kỳ. Trên cơ sở các sản phẩm truyền thống, Supe Lâm Thao đã sản xuất thành công sản phẩm Supe lân vi sinh Lâm Thao có thành phần chủ yếu là Supe lân truyền thống và các chủng vi sinh vật Bacillus có ích. Đây là bước ngoặt lớn của Supe Lâm Thao khi là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đã thành công khi kết hợp giữa phân bón vô cơ và vi sinh vật có ích, tạo ra một sản phẩm độc đáo, phù hợp sản xuất nông nghiệp xanh.
Tiếp tục mục tiêu phục vụ nền nông nghiệp xanh, Supe Lâm Thao đã phối hợp Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng và Công ty Biowish Việt Nam nghiên cứu sản xuất, khảo nghiệm các sản phẩm mới theo tiêu chí sản xuất xanh. Sau hơn hai năm nghiên cứu, khảo nghiệm, đã sản xuất thành công 06 sản phẩm mới tương ứng với 02 loại sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao, được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đó là các sản phẩm: NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 5-10-3+8S; NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 12-5-10+14S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 13-13-13+4S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 16-8-16+4S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 16-16-8+6S và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao 3-5-2+2S+TE.
Như vậy là chỉ trong vòng 03 năm, Supe Lâm Thao đã cho ra mắt trọn bộ sản phẩm "Phân bón Lâm Thao - Giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu" gồm 04 phân bón Hữu cơ khoáng và 07 phân bón chứa vi sinh. Điểm đặc biệt của dòng phân bón này là sự kết hợp giữa phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ với các chủng vi sinh vật Bacillus có ích có khả năng đối kháng với các loại vi nấm, vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng, nâng cao sức đề kháng của cây trồng trước các loại sâu bệnh giúp giảm sử dụng thuốc trừ sâu; tăng sức chống chịu cho cây trồng trong điều kiện phèn, mặn và ngộ độc hữu cơ nhờ hỗ trợ cân bằng pH đất. Chúng còn tham gia vào quá trình chuyển hóa chất hữu cơ khó phân hủy thành chất hữu cơ đơn giản, chuyển hóa hợp chất phốt pho và các chất dinh dưỡng khó tiêu trong đất thành các chất dễ tiêu, kích thích cây phát triển bộ rễ giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng và triệt để, phát triển tốt và giảm lượng sử dụng phân bón. Các vi sinh vật Bacillus hỗ trợ kích thích các sinh vật và vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, làm tăng độ tơi xốp, độ mùn, độ phì nhiêu của đất.
Với những ưu điểm nêu trên, so với các phân bón thông thường, sử dụng phân bón chứa vi sinh của Supe Lâm Thao giúp giảm lượng phân bón cần sử dụng, giảm thuốc trừ sâu, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đất trồng bị khai thác cạn kiệt dẫn đến bạc màu, bộ sản phẩm "Phân bón giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu" của Supe Lâm Thao là lựa chọn tối ưu giúp phát triển hệ vi sinh vật có lợi, bảo vệ cấu trúc đất, trả lại độ phì nhiêu cho đất.
Theo kết quả khảo nghiệm Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng đã được các chuyên gia hàng đầu trong nước về phân bón và nông nghiệp nghiệm thu, sử dụng các loại phân bón chứa vi sinh của Supe Lâm Thao cho năng suất cây trồng tăng bình quân từ 10÷20%, giúp nông dân tiết kiệm chi phí do giảm lượng phân bón sử dụng. Dòng phân bón này là lựa chọn phù hợp cho ngành nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Một điểm khác biệt nữa của các sản phẩm phân bón này là quy trình bón phân, công thức phân bón (tỷ lệ các hàm lượng dinh dưỡng) được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành về thổ nhưỡng nông hóa để đưa ra "Tỷ lệ vàng" nhằm đảm bảo 06 tiêu chuẩn: 1/Đúng loại phân; 2/Bón đúng lúc; 3/Bón đúng đối tượng; 4/Đúng thời tiết, mùa vụ; 5/Bón đúng cách; và 6/Bón phân cân đối. Đây là yếu tố quan trọng, bởi phân bón không đáp ứng đủ 06 tiêu chuẩn trên sẽ không đem lại hiệu quả về năng suất, chất lượng; trong trường hợp bón dư thừa thì không chỉ tốn kém chi phí phân bón mà còn gây hậu quả gây ngộ độc nông sản, ngộ độc đất, ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.
Chung tay "Vì một Việt Nam xanh"
Tuân thủ quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường, hiện tại Supe Lâm Thao đang triển khai hoạt động kiểm kê khí nhà kính năm 2023, mở lớp đào tạo hướng dẫn định lượng và báo cáo khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1, đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP để xác định được phạm vi cần báo cáo, phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính khi sử dụng nguyên nhiên liệu trong sản xuất.
Bằng các hoạt động nghiên cứu đổi mới, với tinh thần chủ động phát huy sức mạnh nội lực, Supe Lâm Thao đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào lộ trình chuyển đổi nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW. Đây cũng là khẳng định nỗ lực thực hiện theo chủ trương đường lối của Đảng về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26.
Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng và thực hiện theo quan điểm, chỉ đạo của Đảng về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, Supe Lâm Thao đã xây dựng kế hoạch cho năm 2024 và các năm tiếp theo như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng:
1. Thực hiện kiểm toán năng lượng theo đúng quy định và hiệu quả;
2. Tiếp tục sử dụng nhiên liệu sinh khối, xe nâng điện;
3. Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời cho khu vực các nhà tắm của người lao động trong toàn Công ty;
4. Thay thế các đèn chiếu sáng tiêu thụ điện lớn bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng; dần thay bóng đèn điện bằng đèn năng lượng mặt trời.
5. Lắp đặt các tụ bù nâng cao cosᵩ cho hệ thống điện.
6. Tăng cường trồng cây xanh.
Thứ hai, triển khai các giải pháp mới nhằm tăng cường quản lý và giảm phát thải khí nhà kính:
1. Triển khai áp dụng hệ thống Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001;
2. Nghiên cứu sản xuất và sử dụng các loại phân bón phù hợp với nền nông nghiệp xanh, có hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính;
3. Nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất mới giúp giảm tiêu thụ điện năng và giảm phát thải khí nhà kính;
4. Xử lý hiệu quả giảm thiểu ảnh hưởng của chất thải rắn, nước thải, khí thải tới hiệu ứng khí nhà kính;
5. Thay thế thiết bị hiệu suất năng lượng thấp bằng thiết bị có hiệu suất năng lượng cao.
Kiên định mục tiêu đặt ra, với sự đồng lòng của cả tập thể, tin rằng trong thời gian tới Supe Lâm Thao sẽ đạt thêm nhiều thành tựu nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và hiện thực hóa những quan điểm, chỉ đạo của Đảng về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần đạt mục tiêu chung của Quốc gia là đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050./.