Cao su giảm giá mạnh

03:47 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Sáu, 2011

Cao su giảm giá mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, 22/6, do sự thiếu chắc chắn về triển vọng kinh tế Mỹ và các vấn đề nợ nần ở khu vực đồng euro.

Trên thị trường Tokyo, hợp đồng tham chiếu kỳ hạn tháng 11 giảm giá tới 3,3% vào sáng nay, xuống 365 yen/kg từ mức 377,6 yen chiều qua. Giá cao su RSS3 của Thái Lan giảm mạnh, xuống dưới mức 5 đô la, hiện chỉ 4,95 đô la/kg (-0,05 đô la so với phiên chiều qua). Cao su SMR20 của Malaysia giảm tương tự xuống 4,55 đô la/kg, còn SIR20 của Indonesia giảm 0,02 đô la xuống 2,06 đô la/lb.

Giá cao su RSS4 tại Ấn Độ giảm 50 rupee xuống 22.250 rupee/100 kg trên thị trường chủ chốt Kottayam ở Kerala.

Việc giá cao su giảm mạnh tại các nước sản xuất chính cũng tác động mạnh tới giá cao su kỳ hạn. Nếu các thông tin kinh tế tiếp tục xấu đi, thị trường cao su thiên nhiên sẽ chưa thể sớm hồi phục, mặc dù thị trường dầu mỏ đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Xuất khẩu cao su vào Trung Quốc trì trệ suốt 2 tuần qua, với mức giao dịch bình quân ngày tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng hiện chỉ đạt 150 tấn, so với 800 tấn trước đây. Thậm chí có ngày không có giao dịch nào. Giá cao su Việt Nam nhập vào Trung Quốc hiện ở mức khoảng 31.000 NDT/tấn.

Ngay tại Ấn Độ, tiêu thụ cao su cũng chậm lại đáng kể, và triển vọng giá sẽ còn giảm hơn nữa trong tuần này, mặc dù nguồn cung cũng giảm bởi mưa triền miên.

Tiêu thụ cao su tại Ấn Độ đã giảm từ tháng 5 do lĩnh vực ô tô đang có dấu hiệu suy thoái. Giống như những thị trường hàng hóa khác, thị trường cao su đang chờ đợi kết quả từ hai cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Các kết quả từ hai cuộc họp này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có lĩnh vực ô tô.

Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu được Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) dự báo sẽ tăng lên 9,936 triệu tấn trong năm 2011, thấp hơn so với 10,025 triệu tấn dự báo trước đây, do sản lượng ở Indonesia và Philippines không đạt kỳ vọng.

Về thông tin liên quan, tỉnh Bình Dương sẽ hợp tác với tỉnh Champasak của Lào để trồng cây cao su và chuyển giao công nghệ nhằm tăng mạnh diện tích trồng cao su trong 5 năm tới. Đây là một phần trong 9 điểm của biên bản ghi nhớ được ký hôm qua, 21/6 giữa chính quyền 2 tỉnh.

Nội dung lớn của chương trình hợp tác này là triển khai dự án trồng 10.000 héc ta cao su tại Lào (giai đoạn 2006-2010 đã trồng 6.100 héc ta cao su, riêng tại tỉnh Champasak đã trồng được 4.100 ha cây cao su).

Nguồn: