Sau ba phần tư thế kỷ, lần đầu tiên công nghiệp hóa chất thế giới đã lại bị ảnh hưởng nặng nề vì một cuộc chiến tranh trên đất liền ở châu âu. Các công ty hóa chất, đặc biệt là những công ty đang hoạt động hoặc có giao dịch thương mại tại Nga, đang phải chuẩn bị đối phó với những tác động kinh tế sắp tới.
Sau khi quân đội Nga tấn công Ucraina, chính phủ nhiều quốc gia châu âu đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với nước Nga. Ví dụ, Đức đã ngừng cấp phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - hệ thống đường ống dẫn dưới biển Bantic để vận chuyển khí thiên nhiên từ Nga đến Đức. Nhưng phần lớn các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên minh Châu âu áp đặt đang nhằm vào mục đích cô lập Ngân hàng trung ương Nga và các thể chế tài chính khác của nước này, ngăn không cho các công ty Nga thực hiện các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Ngoài các biện pháp chính thức của các chính phủ, các công ty Mỹ và châu âu cũng tự đưa ra những quyết định của riêng mình. Các công ty dầu khí như BP, ExxonMobil, Shell đã cam kết sẽ ngừng hoạt động tại Nga hoặc bán lại các cơ sở kinh doanh của mình tại đây.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng, các công ty hóa chất châu âu ít phải chịu tác động hơn so với các công ty khai thác dầu mỏ. Hiện nay, Nga chỉ chiếm khoảng 1% doanh số của các công ty hóa chất châu âu, phần lớn các công ty châu âu có khả năng sẽ không rút hoàn toàn khỏi thị trường Nga.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến, đa số các công ty hóa chất châu âu cho biết họ vẫn chưa quyết định sẽ thực hiện những biện pháp nào. Trong số những công ty đã quyết định hành động có Công ty Kemira của Phần Lan, đầu tháng 3 Công ty này đã ngừng giao hóa chất (phần lớn trong số đó phục vụ xử lý giấy và bột giấy) đến Nga và Belarut.
Một số công ty hóa chất châu âu đang phải chịu những tác động lớn do liên quan đến các hoạt động với Nga. Công ty BASF của Đức sở hữu 67% cổ phần của Công ty Wintershall Dea, nhà sản xuất dầu khí đang hoạt động ở Nga và tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. BASF cũng đang có 12 cơ sở sản xuất hóa chất tại Nga với khoảng 700 người làm việc.
Công nghiệp hóa chất Đức có những mối liên hệ khăng khít với Nga. Theo Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức VCI, năm 2021 xuất khẩu hóa chất của Đức sang Nga đạt 6 tỉ USD, chiếm khoảng 2,5% tổng giá trị xuất khẩu hóa chất của Đức. Khoảng 25 công ty hóa chất Đức có các chi nhánh tại Nga với tổng cộng hơn 6.000 nhân viên.
Công ty hóa chất Wacker Chemie của Đức cho biết, cuộc chiến tranh hiện nay chỉ gây ra tác động trực tiếp ở mức hạn chế đối với hoạt động của mình. Doanh số hóa chất của Công ty tại Đông Âu, kể cả Nga, chiếm chưa đến 10% tổng doanh số trong năm.
Công ty Solvay của Bỉ đang hợp tác trong liên doanh với nhà sản xuất hóa dầu Nga là Công ty Sibur. Năm 2014, tổ hợp sản xuất PVC trị giá 1,6 tỉ USD của liên doanh đã được khánh thành tại Kstovo (Nga), với sự tham dự của Tổng thống Putin. Người phát ngôn của Solvay cho biết, vào thời điểm đó họ đã dự tính các phương án khác với hiện nay.
Trong một báo cáo của VCI, Giám đốc điều hành của Hiệp hội cho rằng cuộc chiến tranh của Nga ở Ucraina sẽ làm tăng mạnh chi phí sản xuất các sản phẩm hóa dầu, đặc biệt là khi xuất khẩu dầu khí của Nga bị hạn chế do tác động của các biện pháp trừng phạt. Trong trường hợp đó, các công ty hóa chất sẽ phải đứng trước tình hình giá khí thiên nhiên tăng mạnh đến những mức cao khác thường.