Giá cao su thiên nhiên trên thị trường Tokyo giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần vào cuối tuần này do hoạt động bán chặn lỗ bởi những thông tin kinh tế xấu phát đi từ Trung Quốc. Thị trường tuy nhiên có thể hồi phục trong tuần tới do nguồn cung hạn chế.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, giá cao su giao sau 6 tháng trên sàn Tocom ở Tokyo, hiện là kỳ hạn tháng 8, hạ 1,3 yên xuống 330,6 Yên/kg. Trong phiên, có lúc giá xuống 327,6 Yên – thấp nhất kể từ ngày 9/3. Trong tuần này, giá hạ xấp xỉ 0,6%, sau khi đã mất 0,85% ở tuần trước.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá cao su thiên nhiên kỳ hạn tháng 5 tăng 175 NDT lên 28.285 NDT/tấn cuối ngày thứ Sáu, tương đương 4.500 USD/tấn. Tại Singapore, giá cao su giao tháng 4 trên sàn Sicom tăng 0,6% lên 3,74 USD/kg.
Các thương nhân tại Tokyo nhận xét, nhiều người tham gia thị trường bán chặn lỗ trong phiên cuối tuần qua do điều chỉnh kỹ thuật sau khi giá phá vỡ mức hỗ trợ quan trọng là 330 Yên/kg. Việc Trung Quốc thông báo dữ liệu sản xuất tháng 3 giảm tháng thứ 5 liên tiếp cũng khiến nhiều người hoài nghi về nhu cầu trong tương lai. Tuy nhiên sau đó, nỗi lo cung thắt chặt vì thời tiết xấu ở Đông Nam Á đã đưa giá về trên ngưỡng này, mở ra một tương lai khả quan cho thị trường trong ngắn hạn. Họ dự báo giá sẽ biến động trong khoảng 330 – 350 Yên/kg trong tuần tới.
Ở Ấn Độ, giới quan sát thị trường cũng dự báo giá cao su toàn cầu sẽ tăng bởi khoảng cách giữa cầu và cung ngày càng lớn ở Ấn Độ trong khi mùa khô đang khiến cho sản lượng cao su giảm ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Dữ liệu mà họ có được cho thấy, yếu tố cung đã đẩy giá cao su tại Indonesia và Trung Quốc lên mức cao 2 tháng suốt vài tuần qua.
Còn tình hình xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp trong nước qua cửa khẩu Móng Cái tuần qua, theo nguồn tin của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), giá cao su thiên nhiên đã hạ từ mức cao nhất 2 tháng là 24.000 NDT/tấn xuống còn 23.800 NDT/tấn. Khối lượng sản phẩm tham gia giao dịch cũng giảm còn quanh mức 300 NDT/tấn.
Mặc dù nhu cầu của thị trường Trung Quốc đòi hỏi cung ứng mặt hàng nguyên liệu này đang tăng cao, nhưng các doanh nghiệp phía đối tác cũng không mạo hiểm tăng giá mua hơn nữa để thu hút hàng. Bởi vì nếu giá nguyên liệu tăng không giới hạn thì giá săm lốp thành phẩm phải đẩy lên, dẫn đến không tiêu thụ nổi. Trước tình hình này, các đơn vị xuất khẩu cao su của Việt Nam, đa số đã tạm ngừng xuất hàng hoặc chỉ xuất cầm chừng để giữ mối quan hệ với đối tác.