Giới thương nhân cho biết, đồng Yên dù mạnh lên so với USD gây sức ép lên thị trường nhưng sản lượng mủ vẫn ở mức thấp trong mùa đông này đã hỗ trợ cho thị trường.
Yên và các đồng tiền khác đồng loạt tăng so với USD trong phiên hôm qua bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện nay cho dù các Ngân hàng trung ương ở châu Âu và châu Á đồng loạt nâng lãi suất.
Đóng cửa phiên 20/4, giá cao su giao tháng 9 tại Sở giao dịch hàng hoá Tokyo (Tocom) hạ nhiệt và tăng 4% so với phiên liền trước, đạt 425,9 yên/kg.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên, nông dân ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia – 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới – giảm cạo mủ trong suốt mùa đông từ tháng 2 đến tháng 5 khi cây cao su rụng lá và làm giảm sản lượng mủ. Sản lượng mủ của Thái Lan có thể giảm tới 60% so với mức đỉnh.
Ngoài ra, mưa trái mùa từ đầu năm nay gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở 10 tỉnh miền Nam Thái Lan từ hôm 23/3 có thể đã phá huỷ 19.641 acres diện tích đất cao su. Nước lũ hiện đã rút hết và chính phủ đang cho xây dựng lại các cơ sở hạ tầng bị phá huỷ. Những vùng cao su bị chết sẽ phải trồng lại và phải mất đến 7 năm mới cho sản lượng.
Giá cao su tăng còn bởi giá dầu mỏ tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng do dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự đoán và khả năng nhu cầu sẽ tăng vọt trong thời gian tới khi các nhà máy lọc dầu châu Âu hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ bảo dưỡng, và hoạt động tái thiết ở Nhật Bản. Giá dầu tăng cao thúc đẩy nhu cầu cao su thiên nhiên thay thế cao su tổng hợp.
Sáng nay 21/4, giá cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải tăng thêm 1,1% lên 35.270 NDT/tấn, tức 5.409 USD/tấn, sau khi tăng hơn 2% trong phiên hôm qua. Giá cao su giao tiền mặt tại Thái Lan cũng tăng 1,3% lên 177,05 baht/kg, tức 5,9 USD/kg. Giá cao su tại Tocom trong khi đó giảm 1,2% do Yên mạnh lên.