Trên thị trường Tokyo, giá cao su tự nhiên giao sau 6 tháng tức kỳ hạn tháng 11 giảm 3,3% trong phiên hôm nay xuống 365 Yên/kg – thấp nhất 1 tháng qua. Giá cao su RSS4 tại Ấn Độ giảm 50 rupee xuống 22.250 rupee/100 kg.
Trên thị trường cao su vật chất, giá cao su RSS3 của Thái Lan còn 4,95 USD/kg, giảm 0,05 USD so với chiều hôm qua. Cao su SMR20 của Malaysia giảm cùng mức xuống 4,55 USD/kg, cao su SIR20 của Indonesia giảm 0,02 USD xuống 2,06 USD/lb (1lb = 0,454 kg).
Tiêu thụ cao su tại các thị trường chủ chốt đang sụt giảm. Lạm phát ở Trung Quốc cao nhất 34 tháng khiến nước này phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 6 lần kể từ đầu năm nay và có thể nâng lãi suất cơ bản lần thứ 3 trong năm trong 10 ngày tới. Chính sách tiền tệ thắt chặt đã và đang gây sức ép lên ngành công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới. Tại Ấn Độ, tiêu thụ cao su đang chững lại do lĩnh vực ô tô có dấu hiệu suy thoái.
Cung cao su toàn cầu trong khi đó có dấu hiệu tăng trở lại, nhất là khi mưa đã dứt ở các vùng trồng cao su chủ chốt của Thái Lan.
Giá cao su chịu sức ép giảm hôm nay còn vì giá dầu thô đi xuống. Giá dầu Brent tại London đã có 3 phiên giảm liên tiếp vì hoạt động bán tháo khi khoảng cách giữa hai loại dầu chuẩn của thế giới tăng lên mức kỷ lục gần 23 USD/thùng cuối tuần trước. Giá dầu thấp thường làm tăng nhu cầu cao su tổng hợp và giảm giá cao su tự nhiên.
Thị trường cao su cũng đang chờ đợi kết quả từ cuộc họp của Ủy ban thị trường mở thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay và điều này ảnh hưởng trực tiếp lên thị trường ô tô. Hy Lạp trong khi đó đứng trước khả năng vỡ nợ và làn sóng phản đối khắp cả nước về chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lấy hỗ trợ.
Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) dự báo, sản lượng cao su thế giới sẽ ở mức 9,936 triệu tấn trong năm 2011, thấp hơn so với 10,025 triệu tấn dự báo trước đây, do sản lượng ở Indonesia và Philippines không đạt kỳ vọng.