Gần đây, nguồn cung phân bón trong nước có nhiều biến động, giá cả tăng nhanh bất chấp các biện pháp bình ổn
Phân bón là một trong những đầu vào mang tính quyết định đến năng suất, sản lượng và chất lượng của nông sản. Vụ đông xuân năm nay, nông dân vùng tứ giác Long Xuyên sống dở, chết dở vì khi lúa đang cần phân thì giá phân bón lại tăng mạnh. Giá phân DAP về tới đại lý cấp 1 ở Hậu Giang là 750.000-780.000 đồng/bao (tùy loại), phân urê gần 500.000 đồng/bao. Phân bón về đến các đại lý cấp 2, 3 lại tăng thêm khoảng 30.000 đồng/bao cho mỗi cấp. Có đến trên 90% nông dân mua chịu phân bón, gánh thêm một khoản tiền lãi phải trả vào cuối vụ.
Viện lý do hàng loạt các yếu tố đầu vào tăng giá, như điện, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh, nhất là than tăng đến 40%, vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông báo sẽ tăng giá phân bón, đúng lúc vụ hè thu đang ở trước mắt! Sau khi giá than tăng, giá thành của phân đạm đã tăng 18%, với phân lân là 7%.
Theo ông Bùi Thế Chuyên, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn, Tập đoàn có thể đảm bảo bình ổn thị trường đối với super lân và lân nung chảy, còn không thể dự báo đối với các loại phân DAP, urê, kali, vì vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Hiện tại, năng lực sản xuất trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân lân, phân NPK. Còn đối với phân urê, năm 2010, trong nước sản xuất được 980.000 tấn, đáp ứng 54% nhu cầu. Đến năm 2012, khi hoàn thành nhà máy phân đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn/năm và nhà máy phân đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm, có thể sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Đối với phân DAP, hiện chúng ta mới đáp ứng 30-35% nhu cầu trong nước. Đến năm 2014, nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai hoạt động sẽ đáp ứng khoảng 80%. Riêng 2 loại phân kali và SA, do chúng ta chưa sản xuất được, nên mỗi năm phải nhập khẩu 70.000 tấn kali và 600.000 tấn SA.
Chính vì vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên giá phân bón trong nước còn phụ thuộc vào giá thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón thế giới có xu hướng tăng, kéo giá trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số yếu tố góp phần làm cho giá phân bón không ngừng tăng, như: các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không có dự trữ bắt buộc, nên xảy ra khan hàng và tăng giá mạnh vào các giai đoạn bón phân cao điểm; đồng loạt nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất phân bón như: điện, than, xăng dầu, cao su, lưu huỳnh, nhân công, tỉ giá đều tăng giá.
Để bình ổn giá phân bón, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: “Cần tăng đẩy nhanh nguồn cung từ sản xuất trong nước, đây là giải pháp bền vững nhất. Dùng các biện pháp thuế để điều tiết cung cầu tại các thời điểm cụ thể, vừa đảm bảo một số chủng loại phân bón quan trọng, vừa không trái với cam kết quốc tế. Qui hoạch lại hệ thống phân phối chung của cả nước, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới cung ứng đến tay người nông dân. Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ ban hành qui định các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Những doanh nghiệp có thị phần lớn phải tham gia dự trữ lưu thông bắt buộc, được hưởng những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, vừa giảm bớt gánh nặng cho nguồn lực Nhà nước, vừa điều tiết cung-cầu thị trường”./.