Thực tế hiện nay cho thấy, việc bình ổn giá phân bón thị trường trong nước là rất khó, nguyên nhân chính do chúng ta đang phải nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng này.
Hiện tổng lượng phân bón sản xuất trong nước đạt khoảng 6,2 triệu tấn, đáp ứng 68% nhu cầu và cả nước vẫn phải nhập khẩu thêm khoảng 2,6 triệu tấn phân bón. Do đó, giá phân bón phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới. Hơn nữa, phân bón là mặt hàng có nguyên liệu phụ thuộc vào dầu khí thiên nhiên, do vậy giá dầu trên thế giới tăng, giá phân bón cũng sẽ tăng theo.
Theo Bộ Công thương, hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất các quy định về việc yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, sản xuất phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc nhằm bình ổn thị trường phân bón. Chỉ có như vậy mới có thể đối phó với tình trạng mỗi khi vào mùa vụ, phân bón lại có hiện tượng tăng giá đột biến khi nguồn cung thiếu hụt. Các DN dự trữ mặt hàng này sẽ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận nguồn cung ngoại tệ... Đồng thời, các DN phải tăng cường năng lực hệ thống phân phối để bảo đảm sản xuất và lưu thông thông suốt, nhất là mạng lưới phân phối trực tiếp cho nông dân, nhằm tăng cường kiểm soát giá bán, hạn chế trung gian.
Thời gian qua, giá phân bón nhập khẩu tăng cao đã kéo giá phân bón sản xuất trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón như lưu huỳnh, SA, quặng Apatit... tăng mạnh cũng đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước lên cao. Cụ thể giá phân bón đã tăng từ 10 tới 15% trong vòng một tháng, cá biệt các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng tới 17%. Nếu như giá phân urê Phú Mỹ vào giữa tháng 2 là 9.000 đồng/kg, đến giữa tháng 3 đã lên 10.500 đồng/kg; lân Lâm Thao từ 4.200 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg. Các loại phân bón khác như DAP Trung Quốc, NPK Pháp cũng đều có mức tăng 1.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và thu nhập của nông dân.
Thị trường phân bón trong nước nửa đầu tháng 4 nhìn chung ổn định, một vài nơi có hiện tượng tăng nhẹ. Lượng hàng tiêu thụ không nhiều, giá urê chững, có xu hướng đảo chiều; kali và DAP đang tăng nhẹ. Dự báo, cuối tháng 4 đầu tháng 5-2011 nhiều khả năng giá các loại phân bón sẽ tăng do khu vực đồng bằng duyên hải vào vụ gieo sạ lúa...
Hiện nhu cầu đạm urê cho sản xuất nông nghiệp cả nước vào khoảng 2-2,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dự kiến sau năm 2015 nước ta sẽ sản xuất được 3,22 triệu tấn urê/năm, sản lượng đạm urê sẽ tăng 3,5 lần hiện nay. Cả nước đã có 2 nhà máy sản xuất phân đạm urê, trong đó Nhà máy Phân đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn/năm; Nhà máy Đạm Phú Mỹ công suất 740.000 tấn/năm, đã mở rộng lên 800.000 tấn/năm từ quý IV-2010. Như vậy, nguồn cung chỉ có 920.000-980.000 tấn/năm so với nhu cầu khoảng 2-2,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ diễn ra nhiều thay đổi trên thị trường này.
Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, tháng 11-2011, sản phẩm phân đạm của Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm thuộc Vinachem sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư. Tiếp đó, là Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011; Nhà máy Đạm Công Thanh (Thanh Hóa) công suất 560.000 tấn/năm dự kiến động thổ vào cuối năm nay; việc nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc lên 500.000 tấn/năm cũng sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Như vậy, giai đoạn 2012-2014, sản lượng phân đạm urê sẽ tăng lên, từ năm 2012 và đến 2015 có thể vượt 3 triệu tấn, đạt mức tăng 3,5 lần so với hiện nay. Dự báo vào năm 2015, thị phần phân đạm trong nước sẽ có những thay đổi, khi các nhà sản xuất cũng như nhập khẩu phân đạm vào cuộc giành thị phần.
Nhìn nhận rõ xu hướng này, đã có DN sản xuất phân bón bắt đầu mở rộng thị trường xuất khẩu phân urê và bán sản phẩm ra ngoài ngành nông nghiệp. Trong cuộc đua này, lợi thế sẽ thuộc về các đơn vị đã có bề dày sản xuất và nhà máy vào giai đoạn hết khấu hao vốn cố định.
Theo các chuyên gia, khi phân đạm urê đã bước vào thời điểm bão hòa, các nhà máy phân bón nên có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang nhà máy sản xuất SA, DAP và đẩy nhanh tiến độ dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào Cai để có kali cung cấp cho thị trường. Hiện phân SA và kali vẫn phải nhập hoàn toàn khoảng 700-800.000 tấn/loại/năm. Phân DAP cũng mới chỉ có một Nhà máy DAP số 1 tại Hải Phòng công suất 330.000 tấn/năm, đang xúc tiến xây dựng nhà máy thứ hai công suất tương đương tại Lào Cai. Nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khoảng 700.000 tấn DAP và nhu cầu DAP cũng tăng lên.
Việt Nam có đủ điều kiện về tài nguyên apatit và cơ sở vật chất để phát triển các dự án sản xuất amoniac nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất SA. Do vậy, thời gian tới, việc nghiên cứu xây dựng tiếp Nhà máy DAP thứ ba là hợp lý, đặc biệt khuyến khích sử dụng quặng apatit loại 2 để sản xuất DAP. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này, cần đầu tư thêm 1 nhà máy tuyển quặng apatit công suất 800.000-1.000.000 tấn quặng tinh/năm và đầu tư nhà máy sản xuất ammoniac từ than hoặc từ khí.