Nỗi lo thiếu phân bón phủ bóng triển vọng sản xuất nông nghiệp ở Mỹ Latinh

03:26 CH @ Thứ Sáu - 03 Tháng Sáu, 2022

Các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ Latinh đã tranh thủ mua dự trữ phân bón, nhưng vẫn còn đó nỗi lo thiếu nguồn cung mặt hàng này cho nửa cuối năm 2022.

Trang mạng kinh tế America Economia đưa tin Brazil, quốc gia tiêu thụ nguyên liệu đầu vào nông nghiệp lớn thứ 4 thế giới, đang ngóng chờ 24 tàu cập bến mang theo gần 678.000 tấn phân bón từ các cảng của Nga như Saint Petersburg và Murmansk. 11 tàu trong số này rời lãnh thổ Nga sau ngày 24/2, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, các cảng của Brazil đang hoạt động hết công suất để nhận lượng phân bón nhiều bất thường, sau khi các nhà nhập khẩu vội vàng mua tích lũy do lo ngại nguồn cung bị cắt giảm. Tại Paranaguá, một trong những cảng nhộn nhịp nhất quốc gia Nam Mỹ này, có 18 tàu đang chờ dỡ hàng với khoảng 600.000 tấn phân bón. Ông Luiz Garcia, Chủ tịch của  Parana Ports, đơn vị quản lý cảng Paranaguá, cho biết hệ thống kho với sức chứa 3,5 triệu tấn tại đây đã quá tải, khiến việc dỡ hàng gặp khó khăn.

Đây là một tin tốt lành đối với "gã khổng lồ" Nam Mỹ, nước bất chấp lệnh trừng phạt Nga để cố gắng đảm bảo nguồn cung phân bón, đặc biệt là clorua kali, được sử dụng nhiều cho các cánh đồng đậu tương và ngô.

Nguồn cung khan hiếm và giá "trên trời"

Tuy nhiên, không phải quốc gia Mỹ Latinh nào cũng may mắn như Brazil. Từ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine, ngành nông nghiệp và chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào quan trọng này do sự thiếu hụt phân bón hóa học và cuộc khủng hoảng hậu cần toàn cầu. 

Tất cả những điều này đã đẩy giá phân bón tăng tới 43% ở một số nơi trên thế giới. Nga là nhà sản xuất phân đạm và lân lớn thứ tư, đồng thời là nguồn cung kali lớn thứ ba trên hành tinh, do đó việc đóng cửa thị trường này càng khiến giá cả tăng phi mã.

Chuyên gia phân tích ngành kinh doanh nông nghiệp của Tập đoàn Bancolombia, ông Andrés Felipe Sarmiento, dẫn các số liệu thị trường cho thấy giá phân bón đã tăng trung bình hơn 40% kể từ đầu năm đến nay, đồng thời nhận định đây là một thực trạng đáng lo ngại vì năm 2021 đã khép lại với mức tăng giá hơn 100% đối với một số loại phân bón như urê. Nhà phân tích này dự đoán giá phân bón sẽ tiếp tục tăng, mức độ tùy thuộc vào diễn biến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (Dane), quốc gia Nam Mỹ này nhập khẩu hơn hai triệu tấn phân bón mỗi năm, chủ yếu là urê, diamoni photphat (DAP), monoamoni photphat (MAP) và clorua kali (KCI- phân kali trắng). Nga và Ukraine là nguồn cung 42% urê, loại phân đạm được sử dụng rộng rãi nhất tại Colombia.

Chủ tịch Hội Nông dân Colombia (SAC), ông Jorge Bedoya, lo ngại nếu giá phân bón không giảm, các nhà sản xuất đã buộc phải nhập khẩu mặt hàng này với giá cao vào nửa cuối năm ngoái sẽ không đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động.

Hiện tại, mối quan tâm lớn nhất đối với các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ Latinh là giá phân bón. Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất khoai tây Colombia (Fedepapa), ông Germán Palacio, cho hay nhiều loại phân bón đã tăng giá đến 80%, loại thông dụng như phân urê tăng tới 150%.

Giảm lượng phân bón - giảm năng suất

Tại Ecuador, ngành xuất khẩu nông sản cũng chung số phận. Bên cạnh nỗi lo phân bón khan hiếm và giá trên trời, người nông dân Ecuador còn lao đao vì không thể bán chuối cho Nga, thị trường đóng góp tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này.
Ông Alfredo Saltos, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ecuador và giờ đây là cố vấn nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ, cho biết Ecuador nhập khẩu tới 50% lượng phân đạm từ Nga, và một tỷ lệ tương đương phân kali từ Ukraine. Theo ông Saltos, chuối là một loại cây trồng cần nhiều đạm, lân và kali, và việc thiếu hụt những nguyên liệu đầu vào này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất lương thực.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Nông Nghiệp Quốc gia Peru (Conveagro), ông Clímaco Cárdenas, cảnh báo rằng việc thiếu phân bón có thể khiến sản lượng nông nghiệp của nước này giảm 40% trong vòng 3-6 tháng tới. "Hiện không có phân bón và nếu có thì giá cao hơn 410% so với bình thường, nhưng vẫn không có. (Chúng tôi) đã lưu ý Tổng thống Pedro Castillo từ tháng 11 năm ngoái về vấn đề này", ông nói.

Theo Chủ tịch Conveagro, một nông dân có thể sản xuất trung bình 35 tấn khoai tây mỗi vụ, nhưng nếu không có lượng phân bón cần thiết, sản lượng khoai tây chỉ có thể đạt từ 10 đến 12 tấn. Cùng với khoai tây, gạo và ngô là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu phân bón.

Nhà kinh tế người Peru, ông Eduardo Zegarra, lý giải rằng không có phân bón đồng nghĩa với việc sản lượng giảm từ 20% đến 40%, tùy thuộc vào loại cây trồng, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng gạo, khoai tây và ngô, tác động lớn tới các hộ gia đình vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát nhập khẩu. Nhà nghiên cứu này dẫn các số liệu cho thấy trong bốn tháng đầu năm nay, Peru nhập khẩu gần 20.000 tấn phân bón, con số thậm chí chưa đạt 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Loay hoay tìm giải pháp

Trước thực trạng này, các nhà sản xuất nông nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp dự trữ phân bón.

Chuyên gia phân tích ngành kinh doanh nông nghiệp của Tập đoàn Bancolombia, ông Andrés Felipe Sarmiento, chỉ ra rằng một số đơn vị kinh doanh trong chuỗi phân bón đã lường trước khủng hoảng và có phản ứng kịp thời khi sớm nhập khẩu phân kali và các loại nguyên liệu hỗn hợp như NPK (đạm, lân và kali) để đề phòng trường hợp nguồn cung đứt gãy. Lượng nhập khẩu phân kali và NPK của Colombia trong tháng 1/2022 đã tăng lần lượt 69% và 892% so với tháng trước đó, đủ khả năng xoa dịu tình trạng khan hiếm nguyên liệu trong nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên, chuyên gia người Colombia cảnh báo tình hình chưa hẳn đã khả quan, bởi nửa cuối năm là thời điểm mùa mưa bắt đầu ở Brazil và Ấn Độ, cũng là khi nhu cầu phân bón tăng cao nhưng lại trùng với thời điểm tắc nghẽn hậu cần tại Trung Quốc, gây ra áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phần mình, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ecuador Alfredo Saltos nhận định phân hữu cơ là một giải pháp thay thế xa vời. Bộ Nông nghiệp Ecuador đang nỗ lực triển khai xây dựng nhiều nhà máy đầu vào sinh học, nhưng để những dự án này hoàn thiện và đi vào hoạt động còn cả chặng đường phía trước.

Mặc dù Bolivia có nhà máy amoniac và ure có thể đáp ứng nhu cầu tức thời của khu vực, quốc gia này vẫn phải ưu tiên nhu cầu nội địa và ngay lập tức không thể cung cấp lượng lớn phân bón cho các thị trường khác.

Ngoài việc đua nhau tích trữ một lượng lớn nguyên liệu đầu vào quan trọng này, các nhà xuất khẩu nông sản lớn của Mỹ Latinh đang tính kế thương lượng với các đơn vị cung cấp để giảm giá, tuy nhiên đây không phải là một giải pháp bền vững.

Từ đồng ruộng đến bàn ăn

Khủng hoảng phân bón không chỉ ảnh hưởng đến các cánh đồng nông nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến bàn ăn của các gia đình Mỹ Latinh. Giá lương thực hiện đã tăng đáng kể, đẩy tỷ lệ lạm phát tại nhiều nước lên cao.

Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đối với ngành hàng thực phẩm của Colombia trong tháng 3 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Theo Viện Thống kê Quốc gia Peru (INEI), tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 3/2022 là 7,54%, vượt qua đỉnh lạm phát năm 2008, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Brazil, mặc dù đã đảm bảo nguồn cung phân bón trong nửa đầu năm, cũng không tránh khỏi áp lực tăng giá lương thực và theo đó, cả lạm phát. CPI của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 1,73% trong tháng Tư, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 2/2003 và cao nhất trong các tháng Tư kể từ năm 1995, cao hơn hẳn chỉ số 0,95% ghi nhận hồi tháng Ba năm nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới nhất về thị trường hàng hóa cũng dự đoán rằng ngành hàng thực phẩm và nhiên liệu sẽ duy trì mức giá cao trong ba năm tới.

Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy tất cả những nỗ lực, dù của chính phủ hay các nhà sản xuất, đều như "muối bỏ bể". Bất chấp thực tế nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã triển khai các chiến dịch hỗ trợ ngành nông nghiệp, vẫn chưa có gì là chắc chắn khi vấn đề nguồn cung khan hiếm và giá phân bón tăng cao còn kéo dài một thời gian nữa. Cùng với cuộc khủng hoảng kho vận toàn cầu, khủng hoảng phân bón đang đe dọa an ninh lương thực Mỹ Latinh./.