Phân ure nội, ngoại thi nhau tăng giá!

03:11 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Năm, 2012

Giá ure vẫn đang tiếp tục tăng lên trong những ngày qua, và hiện đã vượt qua ngưỡng hợp lý cho giá thành sản xuất lúa. Trong khi đó, lượng ure trong nước hiện nay lại không thiếu so với nhu cầu sản xuất

Giá nhảy từng ngày

Theo ông Văn Hoành, chủ đại lý phân bón Tấn Huy Tấn Lực tại thị trấn Đông Thành (Đức Huệ, Long An), từ 2 tuần nay, giá ure Phú Mỹ ở đây mỗi ngày mỗi giá. Ông Hoành cho biết: “Cách đây 2 tuần, giá ure Phú Mỹ được các đại lý ở đây bán ra với giá 11.200 đ/kg. Ít ngày sau tăng lên 11.400 đồng/kg và trong tuần qua đã lên tới 12.000 đ/kg. Tôi không biết tuần này giá ure có tăng nữa hay không vì ở đây chuẩn bị vào vụ hè thu, nên nhu cầu sử dụng phân ure cũng đang tăng”. Không chỉ ở Đức Huệ, trên toàn tỉnh Long An, giá ure đang tiếp tục tăng trong những ngày qua. Theo Sở NN-PTNT Long An, ngày 8/5, giá ure Trung Quốc trên địa bàn tỉnh này là 10.200 đ/kg, ure Phú Mỹ là 12.200 đkg, tăng 200 đ/kg so với ngày 2/5.

Ở các tỉnh khác, giá ure cũng đang tăng mạnh. Ông Hoàng Kim, một nông dân làm lúa tại thị trấn Sa Rài, Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, vừa rồi, thấy giá phân ure tăng liên tục, nên ông đã mua một lượng lớn phân bón chuẩn bị cho vụ lúa Hè thu. Vào thời điểm đó, giá ure được ông Kim mua với giá 600.000 đồng/bao, tức 12.000 đ/kg. So với hồi tháng 2, giá ure ở thị trấn Sa Rài đã tăng 50.000 đ/bao, tức 1.000 đ/kg.

Theo các DN kinh doanh phân bón ở chợ đầu mối Trần Xuân Soạn (Q7, TP HCM), đợt tăng giá liên tục từ đầu tháng 5 đến nay đã thiết lập nên một mặt bằng giá mới cho phân ure. Theo đó, giá ure Phú Mỹ do các DN ở chợ Trần Xuân Soạn xuất đi các địa phương, hiện ở mức 11.100 đ/kg.

Trước đây, để đảm bảo giá thành cho người trồng lúa, Bộ NN-PTNT đã đưa ra công thức giá 1 kg ure = 2 kg lúa. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đến bây giờ, công thức đó đã lạc hậu, vì giá phân bón ở nước ta từ lâu nay đã lên xuống theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung của các nhà khoa học lúa gạo quốc tế, giá ure vẫn chỉ nên ở mức bằng 2 kg lúa trở xuống, nếu được ở mức 1 kg ure bằng 1 kg lúa là tốt nhất.

Tăng giá vô lý?

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), 4 tháng đầu năm nay, ước tính các nhà máy trong nước đã sản xuất được trên 460 ngàn tấn ure. Trong quý 1, có 44.321 tấn ure được NK vào nước ta. Trong tháng 4, có khoảng trên 20 ngàn tấn ure NK. Như vậy, trong 4 tháng qua, nước ta đã có trên 520 ngàn tấn ure. Trong quý 2 này, TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sẽ cung ứng ra thị trường 290 ngàn tấn ure (200 ngàn tấn sản xuất mới, 60 ngàn tấn tồn kho và 30 ngàn tấn NK thêm). Cũng trong quý 2, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 150 ngàn tấn ure. Nhà máy đạm Ninh Bình ở Miền Bắc cũng bắt đầu cung ứng ure từ quý 2 này. Do đó, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định rằng so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp hiện nay, lượng ure là không thiếu.

Nếu so sánh giữa lượng ure sản xuất trong nước và lượng ure NK, rõ ràng ure nội địa đang chiếm thế thượng phong. Vì chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, lương ure NK chỉ khoảng trên 60 ngàn tấn, trong khi ure nội địa lên tới trên 460 ngàn tấn. Không những thế, hầu hết sản lượng ure nội địa vẫn đang được trợ giá. Theo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), do được trợ giá khí, than, nên giá thành ure nội địa thấp hơn giá ure NK khá nhiều. Ure sản xuất từ khí có giá thành thấp hơn giá ure NK tới 57,7%, ure nội địa làm từ than thấp hơn 23,52%.Như vậy ure nội địa vẫn tiếp tục được hưởng trợ giá đầu vào nên giá thành rẻ hơn nhiều so với giá ure NK. Vậy mà giá ure ở nước ta vẫn cứ nương theo thị trường thế giới mà tăng lên, tăng tới mức đã vượt xa cái ngưỡng cần thiết cho giá thành sản xuất lúa, thì thật lạ quá?

Nguồn: