- Thị trường cao su Đông Nam Á trở lại giao dịch bình thường sau lễ hội Hồi giáo Eid al-Fitr, và khách hàng Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới - cũng trở lại thị trường để tiếp tục làm đầy kho dự trữ của mình.
Nguồn cung ở Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới – gia tăng khi thời tiết tốt dần lên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định việc khách hàng Trung Quốc tăng cường mua không chỉ để làm đầy kho dự trữ mà còn vì lo ngại giá cao su hàng thực (physical) sẽ nhanh chóng tăng trở lại theo xu hướng giá ở Tokyo.
Trung Quốc - chiếm 35% nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu – đã trở lại thị trường để mua cao su dự trữ từ tháng 7-2011, sau nhiều tháng hầu như chỉ rút cao su dự trữ ra dùng do giá hàng thực ở Đông Nam Á quá cao. Dự trữ tại các kho ở Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng tuần thứ bảy liên tiếp, thêm 13,5% trong tuần qua, lên 29.818 tấn. Trong bảy tháng đầu năm, nhập khẩu chỉ tăng 2,11%, đạt khoảng một triệu tấn.
Sau mấy phiên đầu tuần giảm giá, cao su hàng thựcl ngày 9-9 tăng trở lại, cùng chiều với giá cao su kỳ hạn ở Tokyo và dầu mỏ, thêm 3,8 yen lên 369,9 yen/kg (4,7 đô la Mỹ/kg). Một loại cao su khác của Thái Lan là STR20 cũng được chào giá 4,73 đô la Mỹ/kg, chưa tính cước phí vận tải.
Mặc dù sản lượng cao su thiên nhiên năm nay dự báo sẽ tăng 5% và nguồn cung trong bốn tháng cuối năm tương đối dồi dào, song chi phí sản xuất và giá dầu tăng trong khi các kho dự trữ gần như cạn kiệt sẽ kéo giá tăng trở lại, với cao su kỳ hạn tại Tokyo sẽ trở về mức 375 yen/kg vào cuối tháng 10-2011. Các chuyên gia nhận định đây là thời điểm thuận lợi để mua cao su vào.
Theo dự báo, sản lượng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) năm nay sẽ đạt 9,96 triệu tấn. Thái Lan sẽ tiếp tục là nước cung cấp lớn nhất với 3,3 triệu tấn, tiếp đến là Indonesia (2,9 triệu tấn) và Malaysia (975.000 tấn). Ấn Độ sẽ là nhà cung cấp thứ tư với 901.000 tấn.