Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu phân bón với sản lượng nhập trong năm 2011 dự kiến khoảng 2,4-2,6 triệu tấn. Tuy nhiên, cùng với nhiều dự án sản xuất phân bón đang và sẽ thực hiện, điều này sẽ sớm thay đổi và mang lại hy vọng mua được phân bón với giá tốt cho người nông dân.
Với năng lực sản xuất 980.000 tấn, ngành phân đạm trong nước mới chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường nội địa. Thế nhưng, từ hơn hai năm qua, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), doanh nghiệp được biết đến nhiều qua sản phẩm đạm Phú Mỹ, lại tập trung sức lực để lo tìm đường xuất khẩu. Cuối tháng trước, PVFCCo đã nâng cấp văn phòng đại diện của mình ở Campuchia lên thành chi nhánh. Đây là một trong những bước đi nhằm mở đường để xuất khẩu phân đạm, NPK Phú Mỹ, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung phân đạm trong nước sẽ dư thừa từ năm 2012.
Cuối năm nay, Việt Nam sẽ có thêm hai nhà máy sản xuất phân đạm mới ở Cà Mau và Ninh Bình. Như vậy, nếu có thể chạy hết công suất, thì sản lượng phân đạm của cả nước trong năm tới sẽ vào khoảng 2,34 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ chỉ dao động quanh mức 2 triệu tấn. Đến năm 2014, năng lực sản xuất sẽ đạt 3,22 triệu tấn sau khi hai dự án phân đạm Công Thanh và Hà Bắc mở rộng hoàn thành.
Hiện nay, năng lực sản xuất phân bón của Việt Nam khoảng 8,4 triệu tấn. Tuy vẫn còn thấp hơn so với nhu cầu dự tính cho cả năm 2011 là 9-9,5 triệu tấn, nhưng một số sản phẩm đã bắt đầu ở trong tình trạng cung vượt cầu. Trong đó, NPK vượt khoảng 0,7-1,2 triệu tấn và phân lân vượt 0,5 triệu tấn. Ngược lại, Việt Nam lại đang thiếu phân đạm, DAP, phân kali, SA và sulphur, nên tiếp tục phải nhập. Tổng khối lượng nhập khẩu bảy tháng đầu năm nay là 2,16 triệu tấn. Nhưng tình hình này cũng sẽ nhanh chóng thay đổi sau khi tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn tất các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân DAP, SA và muối kali trong vài năm tới.
Từ năm 2009 đến nay, nhu cầu tiêu thụ phân bón của thị trường Việt Nam tương đối ổn định, chủ yếu dao động quanh mức 9 triệu tấn/năm. Các chuyên gia về thị trường phân bón dự báo, trong 2-3 năm tới, mức tiêu thụ phân bón của Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định, khả năng biến động về nhu cầu chỉ trong biên độ 3%. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước lại đang tăng lên nhanh chóng và còn tiếp tục tăng trong những năm tới, nên tìm kiếm thị trường xuất khẩu là việc các nhà sản xuất phải tính đến.
Từ năm 2005 đến nay, mức nhập khẩu phân bón của Việt Nam có chiều hướng giảm. Điều này cũng đồng nghĩa ngành sản xuất phân bón trong nước đủ khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả ở thị trường nội địa. Đây là tín hiệu tích cực để sản phẩm này vươn ra thị trường các nước trong khu vực, trước hết là hai nước láng giềng Campuchia và Lào.
Đối với người nông dân, sự phát triển của ngành phân bón trong nước và viễn cảnh cung vượt cầu, để có dư sản lượng dành cho xuất khẩu, mang lại hy vọng mua được phân bón với giá tốt.
Hiện nay, tuy Việt Nam chỉ còn phải nhập đối với phân đạm, kali, SA, DAP và Sulphur, nhưng đây lại là nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân NPK. Hơn nữa, phần lớn lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc và phân bón nhập từ nước này, ngoài chi phí vận chuyển, phải gánh thêm thuế xuất khẩu với thuế suất từ 7-35%, làm cho giá thành sản xuất và giá bán lẻ trong nước tăng.
Ngoài ra, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, do phân bón là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, nên ngành này được Chính phủ dành nhiều ưu đãi. Vì vậy, phân bón sản xuất trong nước có nhiều tiềm năng để giảm giá bán, nhất là với mặt hàng phân đạm. Nếu giá phân đạm giảm, chắc chắn sẽ có tác động dây chuyền lên mặt hàng khác là NPK.
Trước đây, PVFCCo từng áp dụng chính sách bán phân đạm rẻ hơn mặt bằng giá thị trường. Tuy nhiên, do nguồn cung của doanh nghiệp này chỉ chiếm 40% nhu cầu thị trường, nên chính sách bán giá thấp không đủ sức phát huy hiệu quả và không đến được với người nông dân. Vì thế, PVFCCo đã bỏ chính sách bán giá thấp và thay vào đó là các biện pháp hỗ trợ trực tiếp khác cho nông dân.